- Giá sắt thép xuất khẩu trung bình trong tháng 3 là 730,7 USD/tấn, tăng 1,2% so với tháng 2.
- Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sắt thép lớn thứ 3 với khoảng 1/5 tổng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường sắt thép thế giới đang rất sôi động, xuất khẩu sắt thép của cả nước hưởng lợi khi tăng rất mạnh. Theo đó, tháng 3, cả nước xuất khẩu trên 1,23 triệu tấn sắt thép, thu về 899,23 triệu USD, tăng lần lượt 64,6% về lượng và 66,4% về kim ngạch so với tháng liền trước đó. Tính chung quý I, xuất khẩu nhóm hàng này đạt trên 2,92 triệu tấn (tương đương trên 2,04 tỷ USD), tăng 47% về lượng và 85% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan.
Những con số trên cho thấy kim ngạch xuất khẩu sắt thép đang tăng vượt trội so với khối lượng, là do giá tăng mạnh.
Cụ thể, giá sắt thép xuất khẩu trung bình trong tháng 3 là 730,7 USD/tấn, tăng 1,2% so với tháng 2; nếu tính chung trong 3 tháng đầu năm nay thì giá sắt thép xuất khẩu đạt trung bình 699,2 USD/tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020.
Ban đầu là khan hiếm nguồn cung quặng sắt đẩy giá tăng lên, tiếp theo là những chính sách hạn chế khí thải của Bắc Kinh, giữa bối cảnh nhu cầu thép toàn cầu hồi phục sau dịch bệnh đã châm ngòi cho cơn sốt thép lần này, đẩy giá liên tiếp lập những kỷ lục mới.
Phiên 29/4, giá thép trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc) tiếp tục tăng mạnh. Theo thông tin từ Reuters, giá thép thanh dùng trong xây dựng (kỳ hạn tháng 10) tăng 1,9% lên 5.452 CNY (842,53 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng, dùng trong sản xuất và chế tạo, tăng 1,8% lên 5.787 CNY/tấn. Đây đều là những mức cao kỷ lục lịch sử.
Xuất khẩu thép tăng trong bối cảnh giá thép leo thang
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên cùng phiên ở mức 1.127 CNY/tấn; quặng 62% nhập khẩu tới cảng biển Trung Quốc phiên liền trước là 193,5 USD/tấn.
Không chỉ hạn chế sản xuất thép trong nước để giảm lượng khí phát thải, hôm 28/4, Bộ Tài chính Trung Quốc còn hủy bỏ chính sách giảm thuế xuất khẩu đối với 146 sản phẩm thép kể từ 1/5, đồng thời tạm miễn thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm thép sơ chế và tăng thuế xuất khẩu đối với hợp kim thép, như gang độ tinh khiết cao. Những biện pháp này nhằm bảo đảm thị trường thép Trung Quốc không bị thiếu hụt nguồn cung và hạn chế giá quặng sắt tăng – những bước đi đầu tiên cho chiến dịch cắt giảm sản lượng thép trong nước.
Trong bối cảnh hiện tại, CITIC Securities nhận định thương mại sắt thép của Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu tác động lớn từ những chính sách này, bởi giá sắt thép giữa thị trường Trung Quốc với thị trường thế giới có sự chênh lệch, và sẽ khuyến khích nhập khẩu quặng sắt chất lượng cao.
Đặc biệt, CITIC Securities cho rằng tác động tới thương mại sắt thép trong dài hạn sẽ rất lớn, và cho biết: “Chúng tôi vẫn tin rằng giá hợp lý đối với thép cuộn cán nóng sẽ ở mức 6.000 – 6.500 CNY/tấn” (tức là cao hơn khoảng 10% so với hiện nay”.
Trở lại với tình hình xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sắt thép lớn thứ 3 với khoảng 1/5 tổng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắt thép sang thị trường này đạt 571.587 tấn, tương đương 298,83 triệu USD, giá 522,8 USD/tấn, tăng 88% về lượng, tăng 135,9% kim ngạch và tăng 25,3% về giá so với cùng kỳ năm 2020; chiếm 19,6% trong tổng lượng và chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Cũng trong quý I năm nay, Đông Nam Á là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của nước ta, chiếm 40,4% trong tổng lượng và chiếm 39,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của cả nước, đạt 1,18 triệu tấn, tương đương 802,2 triệu USD, giá trung bình 679,9 USD/tấn, giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng 25,3% về kim ngạch và tăng 26% về giá so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường lớn thứ 2 là Liên minh Châu Âu (EU), chiếm trên 16,8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 410.994 tấn, tương đương 342,65 triệu USD, giá 833,7 USD/tấn, tăng mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng tương ứng 550,4%, 613,2% và 9,7%.
Nguồn NDH