Nhiều doanh nghiệp thông báo hạ giá sản phẩm lần thứ 11 liên tiếp trong gần 3 tháng qua. Theo SSI Research, xuất khẩu vẫn ổn định trong quý II năm nay nhưng có thể giảm tốc trong các quý tới.
Giá thép giảm 11 lần trong chưa đầy 3 tháng
Chiều ngày 27/7, nhiều doanh nghiệp thông báo hạ giá sản phẩm lần thứ 11 liên tiếp trong gần 3 tháng qua.
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 15,38 triệu đồng/tấn và 16,24 triệu đồng/tấn.
Diễn biến giá thép Hòa Phát. Nguồn: Steel Online
Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn xuống còn 15,25 triệu đồng/tấn và 16,01 triệu đồng/tấn. Về thép Việt Đức, hai loại thép trên giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn còn 15,25 triệu đồng/tấn và 16,16 triệu đồng/tấn. Với thép Kyoei, giá hôm nay là 15,2 triệu đồng/tấn và 16,01 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau khi giảm 300.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn theo thứ tự.
Như vậy, trong gần 11 tuần, giá thép giảm 11 lần với tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 3,9 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền.
Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép trong nước giảm theo xu hướng của thế giới. Nhu cầu thép giảm trong quý II, giá nguyên liệu đầu vào giảm kéo theo giá thép liên tục giảm trong thời gian qua.
Xuất khẩu có thể giảm tốc trong các quý tới
Theo báo cáo của SSI Research, nhu cầu trong nước giảm khoảng 6% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm. Sau khi tăng 15% trong quý I do nhu cầu bị dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.
Theo SSI Research, xuất khẩu vẫn ổn định trong quý II năm nay nhưng có thể giảm tốc trong các quý tới. Sản lượng xuất khẩu của thép thành phẩm tăng trưởng đáng khích lệ là 13% trong giai đoạn 5 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, kênh xuất khẩu vẫn có xu hướng chững lại trong những tháng gần đây, đặc biệt trong mảng tôn mạ, với sản lượng hàng tháng thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh trong quý IV năm 2021. Sự sụt giảm về sản lượng như vậy là do nhu cầu giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt (đặc biệt là Mỹ và EU), những thị trường mà trong điều kiện thuận lợi từng chiếm 60-70% sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam. Việc các đơn hàng xuất khẩu trước từ 1 đến 2 tháng cho thấy xu hướng chậm lại so với giai đoạn trước khi các công ty ký được trước khoảng 3-4 tháng.
Thêm vào đó, xuất khẩu trong nửa cuối năm cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp bảo hộ mà EU áp đặt. EU gần đây đã bổ sung Việt Nam vào nhóm “các nước khác” với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6, và tăng 4%/năm trong 2 năm tới. Theo EU, sản lượng xuất khẩu HDG của Việt Nam sang châu Âu ước đạt 979.000 tấn vào năm 2021. Với điều chỉnh này, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có thể sẽ giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, đóng góp từ thị trường EU đối với xuất khẩu thép Việt Nam cũng đã giảm so với giai đoạn trước do giá thép EU giảm đáng kể trong những tháng gần đây.
Kỳ vọng về sự phục hồi sau đại dịch đã bị lung lay bởi chiến sự Ukraine và lạm phát gia tăng
Theo VSA, ngành thép đang ở tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu và do đó, thông thường, xu hướng giảm giá thép và nguyên liệu trong những tháng gần đây sẽ được người tiêu dùng hoan nghênh. Tuy nhiên, thực tế sự sụt giảm nhu cầu thép đó là kết quả xu hướng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nhu cầu thép giảm đã tác động trực tiếp đến giá nguyên liệu đầu vào. Theo Trading Economics, giá quặng 62% Fe giao tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc ngày 29/7 còn 106 USD/tấn, so với mức 160 USD/tấn vào tháng 4. So với đầu năm, giá hiện tại thấp hơn khoảng 17%.
Diễn biến giá quặng 62% Fe. Nguồn: Trading Economics
Theo Trading View, giá than cốc (loại sử dụng trong sản xuất thép) tương lai của Australia bán theo hình thức FOB (bên mua chịu phí vận chuyển) ngày 29/7 là 199 USD/tấn. Giá mặt hàng này liên tục giảm từ cuối tháng 5. So với đỉnh 8/3, giá thấp hơn 69% và là mức thấp nhất hơn một năm qua.
Diễn biến giá than cốc trong luyện thép. Nguồn: Trading View
VSA cho biết các mặt hàng kim loại khác giảm mạnh cũng là báo động cho việc kinh doanh thua lỗ. Đồng đã giảm gần 20% giá trị trong 3 tháng qua. Không có sự sụt giảm hàng quý nhanh như vậy kể từ năm 2011. Các thống kê cũng cho thấy, kẽm và nhôm đều mất khoảng 1/3 giá trị từ tháng 4.
Hiệp hội cũng nhận định tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc là trọng tâm của nền kinh tế thế giới và đặc biệt là ngành thép, bởi vì nước này sản xuất và sau đó tiêu thụ một nửa tổng lượng thép được tại ra. Hiện tại, cả nền kinh tế và nền công nghiệp đều chững lại. Theo S&P Global Commodity Insights, tiêu thụ thép thô của Trung Quốc đã giảm 14% trong tháng 5 so với năm ngoái do ảnh hưởng một phần của việc tiếp cận không khoan nhượng của chính phủ Trung Quốc với Covid-19. Động thái đóng cửa liên tiếp đã làm ngưng trệ hoạt động thương mại nói chung và tê liệt hoạt động xây dựng. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết đầu tư vào bất động sản trong 5 tháng đầu năm giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái và doanh số bán nhà theo số lượng giảm 34% so với cùng kỳ 2021.
Sự phục hồi sau cú sốc đại dịch trở nên mạnh hơn dự kiến ở nhiều khu vực, bất chấp vấn đề về chuỗi cung ứng và Covid-19 vẫn tiếp diễn, theo VSA. Tuy nhiên, sự giảm tốc mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc khiến tăng trưởng nhu cầu ngành thép toàn cầu thấp hơn trong năm 2021. Trong năm nay, triển vọng không chắc chắn, kỳ vọng về sự phục hồi sau đại dịch đã bị lung lay bởi cuộc chiến ở Ukraine và lạm phát gia tăng.
Mới đây, Bloomberg đưa ra nhận định rằng trong số các kim loại, thép có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất trong quý III do tình trạng người mua nhà tẩy chay thanh toán thế chấp đối với các căn hộ chưa hoàn thiện trong khi ngành xây dựng chiếm khoảng 49% nhu cầu thép ở Trung Quốc.
Vừa qua, Bắc Kinh đang tìm cách huy động 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 148 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các dự án phát triển bất động sản còn dang dở, nhằm hiện thực hóa tham vọng hồi sinh lại trụ cột quan trọng của nền kinh tế, đồng thời hạ nhiệt làn sóng tẩy chay chi trả các khoản nợ thế chấp.
Lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 30% GDP nền kinh tế số hai thế giới. Sự suy giảm của thị trường bất động sản là một trong những nguyên nhân chính, bên cạnh lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19, khiến tăng trưởng của quốc gia này giảm mạnh về ngưỡng 0,4% trong quý II vừa qua.
Ban đầu, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ cung cấp các khoản vay lãi suất thấp (1,75%/năm) trị giá 200 tỷ nhân dân tệ cho hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh, theo một nguồn thạo tin.
Dưới kế hoạch đã được chấp thuận bởi Chính phủ Trung Quốc, các ngân hàng sẽ sử dụng nguồn tiền đi vay từ PBoC, cùng với các nguồn tín dụng của riêng họ, để tái cấp vốn cho các dự bán bất động sản chưa hoàn thiện.
Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng nguồn vốn vay ban đầu có thể tăng gấp 5 lần lên khoảng 1 tỷ nhân dân tệ và phần nào đó giúp giải tỏa “cơn khát” vốn của các doanh nghiệp bất động sản, nhằm sớm hoàn thiện các dự án còn dang dở.
Nguồn CafeF