Khi Bộ trưởng Môi trường Trung Quốc Huang Runqiu tới thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 150 km về phía đông, ông chỉ trích 4 nhà máy thép vì cái gọi là “làm giả” hồ sơ sản lượng để tránh mục tiêu về phát thải.
Sự can thiệp bất thường hồi tháng 3 này cho thấy quyền lực của Bộ Môi trường Trung Quốc gia tăng sau khi Bắc Kinh cam kết giảm phát thải carbon và mạnh tay hơn trong kiểm soát ngành thép, một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm nhất nền kinh tế số hai thế giới.
Cuộc chiến kiểm soát sản lượng thép còn phản ánh cách chính phủ Trung Quốc ứng phó đại dịch Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch lèo lái nền kinh tế khỏi những ngành công nghiệp nặng, hướng tới những động lực tăng trưởng ít phát thải hơn.
Trung Quốc kiểm soát sản lượng thép nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Ảnh: AFP.
Cùng với nhiều lĩnh vực khác trong kinh tế Trung Quốc, sản lượng thép cũng tăng nóng bằng đợt bùng nổ cung 12 tháng qua, góp phần giảm thiểu tác động kinh tế ban đầu từ khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, lượng phát thải carbon của Trung Quốc cũng tăng so với năm 2019, trái ngược những nền kinh tế lớn khác, theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
“Cuộc khủng hoảng Covid-19 chỉ khiến mọi thứ trở nên rõ ràng”, Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, nói.
“Chi tiêu hộ gia đình và dịch vụ giảm mạnh… và chính phủ Trung Quốc ứng phó bằng các gói kích thích xây dựng bổ sung. Điều đó đồng nghĩa nỗ lực thay đổi cấu trúc nền kinh tế của họ càng thụt lùi hơn”.
Năm 2020, sản lượng thép tại Trung Quốc tăng 6% lên 1,1 tỷ tấn, cao kỷ lục, hoạt động xây dựng cũng nhảy vọt. Sản lượng thép năm 2019 tăng khi Bắc Kinh khuyến khích tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vì tăng trưởng kinh tế chững lại.
Tại Đường Sơn, chính quyền thành phố hồi tháng 3 chỉ đạo hầu hết nhà máy thép giảm 30% sản lượng cho đến cuối năm và đề nghị 7 công ty thép giữ sản lượng ở nửa công suất tối đa cho đến tháng 7.
Cùng tháng, chính quyền Đường Sơn ra quy định yêu cầu các công ty hoặc đổi mới hoặc ngừng sử dụng các lò cao cũ, gây ô nhiễm, ra hạn chót tháng 6 để trình phương án sản xuất hoặc bị phạt. Để nhấn mạnh thông điệp, Bộ Môi trường Trung Quốc phạt 48 công ty thép tại địa phương với tổng số tiền 1,92 tỷ nhân dân tệ (293 triệu USD) trong 3 ngày.
Zhang Gujiang, bí thư Đường Sơn, nói với các nhà sản xuất thép rằng đạt mục tiêu môi trường là vấn đề mang tính sống còn. “Không có lối thoát cho những công ty không khắc phục triệt để vấn đề môi trường”.
Một nguồn tin trong ngành cho biết chỉ có ít người có thể dự báo chính xác định hướng chính sách, mọi người đều lo sợ các biện pháp tiếp theo từ nhà chức trách.
Bất chấp án phạt và cảnh báo, việc giảm sản lượng thép có thể gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi những phân xưởng cũ và nhàn rỗi được thay thế bằng công nghệ hiệu quả hơn.
“Nhiều khoản đầu tư vào ngành thép đang được thực hiện và chắc chắn sản lượng tại những nhà sản xuất thép lớn sẽ gia tăng”, Myllyvirta nói. “Ngoài ra còn có rắc rối đến từ những công ty nhỏ hơn, nằm ngoài hệ thống kiểm soát sản lượng”.
Nguồn cung khó kiểm soát, lực cầu cũng là yếu tố gây thách thức không kém cho nhà chức trách Trung Quốc. Paul Bartholomew, nhà phân tích kim loại tại S&P Global Platts, cho rằng một lý do khiến sản lượng thép năm 2020 ở mức cao là “các điều kiện tín dụng được nới lỏng đáng kể” – tình trạng đang được chính phủ Trung Quốc nỗ lực thay đổi.
Điều đó dẫn tới một cơn sốt xây dựng, thúc đẩy lực cầu kim loại và gia tăng biên lợi nhuận cho các nhà sản xuất thép.
“Đó là thách thức lớn bởi ngay khi bắt đầu giảm sản lượng, giá thép sẽ tăng”, Bartholomew nhận định. “Tại Trung Quốc, khi mọi bên đang có lời, rất khó để kiểm soát mọi thứ”.
Giá thép tại Trung Quốc tăng lên 5.550 nhân dân tệ/tấn trong tuần trước, cao hơn đáng kể so với mức 5.000 nhân dân tệ/tấn của một tháng trước đó, cho thấy những thách thức thị trường tạo ra với tham vọng của chính phủ.
Các nhà máy thép tại Đường Sơn bị chỉ trích vì làm giả hồ sơ sản lượng nhằm né mục tiêu về ô nhiễm. Ảnh: Getty Images.
Thị trường bất động sản cũng đang trong tình trạng tương tự. Chính phủ Trung Quốc nỗ lực giảm đòn bẩy nợ tại những công ty bất động sản lớn nhất và những biện pháp – bao gồm hạn chế tín dụng từ ngân hàng với lĩnh vực này – có thể cản trở lực cầu thép. 1/3 lực cầu thép đến từ xây dựng bất động sản.
Tuy nhiên, ít người dự đoán lực cầu thép giảm sâu. S&P Global Platts ước tính lực cầu thép trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đạt 322 triệu tấn trong năm 2020 và dự báo ở 313 – 328 triệu tấn năm nay.
Myllyvirta chỉ ra rằng nhiều dự án xây dựng được tài trợ bởi các ngân hàng “được kiểm soát tập trung” – đồng nghĩa mọi biện pháp liên quan sản lượng thép sẽ cần sự phối hợp trong hệ thống tài chính.
“Ngay khi chính phủ Trung Quốc nói ‘chúng tôi không hậu thuẫn các hoạt động xây dựng nữa’, tăng trưởng GDP sẽ chững lại”, theo Myllyvirta.
Nguồn NDH