Cuộc chiến tại Ukraine biến thép thành mặt hàng xa xỉ

Giá thép tăng cao ở nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Washington Post

Nhà máy Azovstal tại thành phố Mariupol, Ukraine thuộc tập đoàn Metinvest, bị phá hủy nặng nề trong chiến sự tại Ukraine. Nhà máy này sản xuất khoảng 5,3 triệu tấn thép mỗi năm và chủ yếu sản xuất tấm thép đúc – cán, thép thanh dài, đường ray, sản phẩm xỉ luyện kim…

Khi chiến tranh nổ ra tại Ukraine vào ngày 24/2, Metinvest đã cho tạm dừng hoạt động của Azovstal. Ukraine là nhà sản xuất thép lớn thứ 12 trên thế giới và Metinvest chiếm khoảng 45% sản lượng thép thô của nước này trong năm ngoái.

Tập đoàn Metinvest có khoảng 40.000 nhân sự tại Azovstal và một nhà máy khác tại Mariupol. Trong tháng 2, Metinvest – tập đoàn thuộc sở hữu của người giàu nhất Ukraine Rinat Akhmetov, tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD để hiện đại hóa và nâng cấp công nghệ cho các nhà máy thép.

Chiến sự tại Ukraine, trong đó có việc nhà máy Azovstal bị tàn phá, ảnh hưởng đến ngành thép của quốc gia châu Âu. Chỉ tính riêng trong 5 ngày đầu của cuộc chiến, Ukraine đã mất 0,7% sản lượng thép hàng năm.

Thép là nguyên liệu quan trọng trong thế giới hiện đại, từ nhà cao tầng, ôtô, máy giặt đến đường ray xe lửa…. Và nay, chiến sự tại Ukraine đã biến thép thành mặt hàng xa xỉ. Giá thép tăng cao đang tạo áp lực lên lạm phát toàn cầu. Trong một chiếc ôtô, thép chiếm khoảng 60% trọng lượng. Về chi phí, giá thép tăng lên 1.379 USD so với 441 USD vào đầu năm 2019.

Thép thanh vằn tại châu Âu tăng 150% kể từ cuối 2019

Các quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với cả chuyện giá thép tăng và nguồn cung thiếu hụt trong mùa hè năm nay. Thép thanh vằn, loại thép thanh dài và dùng để gia cố bê tông trong mọi công trình xây dựng, sẽ sớm thiếu hụt.

Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine, trong đó có thép và các nhà tài phiệt sở hữu những tập đoàn thép lớn của Moscow.

Giá thép thanh vằn tại châu Âu hồi giữa tháng 3 tăng 150% kể từ cuối 2019 lên 1.140 euro/tấn (1.259 USD/tấn). Giá thép cuộn cán nóng cũng lập kỷ lục 1.400 euro/tấn (1.546 USD/tấn), tăng gần 250% so với trước Covid-19.

Diễn biến giá thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng tại châu Âu. Nguồn: Bloomberg

Một trong những lý do đẩy giá thép lên là do quy mô của ngành thép Nga và Ukraine. Nga là quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Ukraine đứng thứ 8.

Colin Richardson, người chịu trách nhiệm về mảng thép của Argus, cho biết Moscow và Kiev chiếm khoảng 1/3 lượng thép nhập khẩu của châu Âu và gần 10% nhu cầu tiêu thụ tại châu lục này. Nga – Belarus – Ukraine chiếm khoảng 60% lượng thép thanh vằn nhập khẩu của lục địa già.

Còn về tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine tới ngành thép Nhật Bản, ông Eiji Hashimoto – Chủ tịch Liên đoàn Thép Nhật Bản, cho biết trước chiến sự, Nhật Bản đã đối mặt với các yếu tố như Trung Quốc giảm sản lượng, thiếu chíp toàn cầu và giá năng lượng tăng cao. Các yếu tố trên trở nên trầm trọng hơn vì cuộc chiến.

“Chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng lớn lao lên nhu cầu thép nếu chiến tranh kéo dài. Chiến sự sẽ ảnh hưởng đến thương mại thép toàn cầu vì Nga – Ukraine là những nhà xuất khẩu lớn”, ông Hashimoto nói.

Còn tại thị trường Việt Nam, theo báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán VNDirect, Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cho biết Nga và Ukraine sản xuất 97,4 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 57 triệu tấn thép vào năm 2021. Đặc biệt tại EU, Nga – Ukraine lần lượt là các nhà xuất khẩu thép lớn thứ 2 – 4 sang khu vực này trong 11 tháng năm 2021, với khoảng 21% tổng lượng nhập khẩu, theo Eurofer. EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam vào năm 2021. Do đó, VNDirect cho rằng các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam có cơ hội tăng sản lượng tiêu thụ tại EU trong thời gian tới.

 

Nguồn NDH

Chia sẻ bài viết