- Giá thép nguyên vật liệu tăng mạnh và thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá thép thành phẩm tăng cao trong thời gian qua.
- Nhiều cổ phiếu thép như NKG, SMC, TLH, TVN có mức tăng giá ấn tượng trong vòng 1 tháng.
Giá thép thành phẩm ở vùng đỉnh 5 nămTheo báo cáo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), giá bán thép thành phẩm trong nước tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch ở mức bình quân khoảng 14.500-15.100 đồng/kg tùy chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể, tăng 20% so với giá đầu tháng 12/2020 và là vùng giá cao nhất trong 5 năm qua.
Nguyên nhân được VSA lý giải là do giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu đẩy giá thép thành phẩm tăng cao. Cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3 ghi nhận mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước; giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 660 USD/tấn, giảm 6% so với cuối năm và tăng 44% so cùng kỳ năm trước.
Nguồn: tổng hợp từ VSA
Theo VSA, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh. Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, đất nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước. Viện Nghiên cứu và Quy hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc dự báo khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau dịch Covid-19, nhu cầu thép quốc tế tăng gần 5%, tương ứng 1,83 tỷ tấn vào năm 2021; riêng Trung Quốc là 991 triệu tấn, tăng 1%.
Với Việt Nam, các chuyên gia dự báo nhu cầu thép năm 2021 sẽ tăng từ 3% đến 5% so với năm 2020. Động lực đến từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như cao tốc bắc – nam, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành; thị trường bất động sản, nhà ở được dự báo sẽ “nóng” trở lại trong năm nay; một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP,… được thực thi kỳ vọng có thêm thị trường xuất khẩu mới.
Bộ phận phân tích chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định diễn biến tăng giá nhiều loại hàng hóa (dầu, thép, phân bón) trên thế giới thời gian qua chưa sớm kết thúc do các bất ổn trên diện rộng trong nguồn cung nhiều loại hàng hóa, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên toàn cầu và cuối cùng là yếu tố lãi suất thấp, các gói kích tích tài khóa… Giá thép tăng mạnh giúp hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thép được hưởng lợi.
Theo đó, cổ phiếu nhiều doanh nghiệp thép đã tăng “nóng” thời gian qua. Cổ phiếu TLH của Tập đoàn Thép Tiến Lên có chuỗi tăng giá 64% trong vòng 9 phiên từ 7.400 đồng/cp lên 12.150 đồng/cp trước khi đảo chiều giảm sàn sau thông tin cổ đông nội bộ đăng ký bán gần 5 triệu đơn vị.
Cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim tăng từ vùng 15.000 đồng/cp lên 21.500 đồng/cp từ giữa tháng 2. Cổ phiếu SMC của Đầu tư Thương Mại SMC tăng 45% kể từ đầu tháng 2 lên 27.600 đồng/cp. Cổ phiếu Tổng công ty Thép Việt Nam (UPCoM: TVN) tăng giá từ vùng 10.000 đồng/cp lên 15.700 đồng/cp, Hoa Sen (HoSE: HSG) tăng 23%, Thép Việt Ý (HoSE: VIS) tăng 19%…
Riêng chứng khoán HPG của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) tăng nhẹ từ 42.000 đồng/cp lên 45.600 đồng/cp trong hơn 1 tháng qua.
Đơn vị: đồng/cp
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan
Thép Tiến Lên mới đây báo cáo 2 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất đạt 502 tỷ đồng, lãi sau thuế 68 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ, doanh thu 201 tỷ đồng và lãi sau thuế 16 tỷ đồng.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết lượng hàng tồn kho với giá thấp đảm bảo cho lợi nhuận ròng không bị ảnh hưởng nhiều của giá thép thế giới. Lợi nhuận quý I ước khoảng 100 tỷ đồng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (4 tỷ đồng) và vượt con số thực hiện cả năm 2020 (79 tỷ đồng).
Tập đoàn Hòa Phát thông báo lũy kế 2 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng thành phẩm, phôi thép và HRC đạt trên 1 triệu tấn, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng thành phẩm giảm nhẹ, phôi thép tăng 26% và được bù đắp bởi sự đóng góp của HRC với 427.000 tấn.
Đầu tháng 1, lò cao số 4 của khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đã được đưa vào sản xuất. Qua đó, dự án Dung Quất 1 của Hòa Phát được vận hành đồng bộ với công suất 5 triệu tấn/năm. Điều này cho phép tập đoàn đặt mục tiêu năm 2021 sản xuất 5 triệu tấn thép xây dựng thành phẩm và phôi thép, 2,7 triệu tấn HRC. Tổng sản lượng sản xuất đạt 7,7 triệu tấn, tăng 54% so với năm 2020.
VDSC nhận định diễn biến tích cực của giá thép và sản lượng tiêu thụ các loại mặt hàng là những động lực hỗ trợ chính cho kết quả kinh doanh Hòa Phát. Giá thép cán nóng đã tăng mạnh vì thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu lại rất dồi dào từ các công ty sản xuất tôn mạ để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Điều này cho phép Hòa Phát hưởng mức biên gộp ở mức khoảng 26%-28% đối với các sản phẩm thép cán nóng.
Niên độ 2020-2021, Hoa Sen lên kế hoạch sản lượng tiêu thụ 1,8 triệu tấn, tăng 11%; doanh thu thuần 33.000 tỷ đồng, tăng 20% và lãi sau thuế 1.500 tỷ đồng, tăng 30% so niên độ trước. Lũy kế 4 tháng đầu niên độ, doanh nghiệp ghi nhận 12.208 tỷ đồng doanh thu và 747 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt thực hiện 37% và 50% kế hoạch năm.
Thép Nam Kim mới đây cũng hé lộ chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 khá tham vọng. Doanh thu 16.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và gấp đôi năm trước.
Theo kế hoạch, nhà máy tại Chu Lai – Quảng Nam chuyên sản xuất ống thép mạ kẽm được Nam Kim triển khai từ 2019 đi vào sản xuất chính thức từ quý III/2020. Dự án có vốn đầu tư 150 tỷ đồng, diện tích 30.000 m2 và công suất 150.000 tấn/năm. Dự án đi vào hoạt động giúp doanh nghiệp tăng sản lượng từ 1 triệu tấn lên 1,15 triệu tấn, tăng 15%.
Thép Việt Ý dự kiến trình cổ đông kế hoạch doanh thu 2021 tăng 13% lên 4.588 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 25% lên 28 tỷ đồng.
Nguồn NDH