- Giá thép năm 2021 tăng chóng mặt so với năm 2020, khiến các bộ, ngành phải vào cuộc kiểm tra.
- Chỉ số giá xây dựng tăng đã và đang khiến hàng loạt nhà thầu xây dựng “lao đao”, khiến Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
- Giá thép tăng ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Xây dựng
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng hiện đã tăng khoảng 5% so với cùng thời gian này năm trước. Đây là mức giá cao trong bối cảnh khó khăn hiện tại, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành Xây dựng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung. Tác động chính là do giá thép xây dựng tăng 30-40%.
Thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng, Bộ đã đề nghị các địa phương, cơ quan liên quan theo dõi, kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp thực tiễn; kiến nghị các ngành liên quan đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn cung thép trên thị trường.
Giá thép tăng ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Xây dựng.
Qua tìm hiểu, thị trường vật liệu xây dựng đã trải qua một năm đầy biến động và bão giá. Giá thép năm 2021 tăng chóng mặt so với năm 2020, khiến các bộ, ngành phải vào cuộc kiểm tra và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu các giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng.
Chỉ số giá xây dựng tăng đã và đang khiến hàng loạt nhà thầu xây dựng “lao đao”, khiến Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Theo VACC, mặt bằng chung giá các loại vật liệu xây dựng hiện đã tăng khoảng 25%, tăng cao nhất là sắt, thép, xi măng… Trong khi đó, đa số hợp đồng xây dựng hiện nay áp dụng đơn giá cố định, không điều chỉnh theo thời điểm ký, nên các nhà thầu đều gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, việc giá vật liệu xây dựng tăng trong bối cảnh Chính phủ đang đưa ra nhiều chính sách để khôi phục lại các phân khúc bất động sản, nhưng các chính sách chưa kịp đưa vào thực tiễn, đang cho thấy sự mâu thuẫn. Vì vậy, cần có chính sách để điều tiết lại bài toán chi phí đối với ngành vật liệu xây dựng.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, không chỉ các chủ đầu tư lớn, mà ngay các nhà thầu xây dựng cũng ”đau đầu” với bài toán vật liệu xây dựng tăng giá. Hiện, đơn giá xây lắp đang bị đội cao hơn hẳn so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư. Lực lượng các nhà thầu cả nước đang đứng trước nguy cơ bù lỗ do giá vật liệu tăng cao, nếu không có được sự thương lượng của chủ đầu tư. Tuy nhiên, với sản phẩm bất động sản, tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán sản phẩm.
Bình ổn thị trường vật liệu xây dựng
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định, việc tăng giá vật liệu xây dựng sẽ tác động lên giá thành các sản phẩm xây dựng, bởi công thức tính giá bán bao gồm tổng thể của 3 yếu tố: Giá thành xây dựng, chi phí bán hàng và lợi nhuận kỳ vọng.
Trong đó, giá thành xây dựng bất động sản được cấu thành bởi 2 tiêu chí: Chi phí về đất và chi phí về xây dựng. Chi phí về đất thường chiếm 15% đối với nhà chung cư, 30% đối với nhà phố và 50% đối với biệt thự. Chi phí xây dựng thường chiếm khoảng 60% giá thành xây dựng bất động sản.
Tại các hội thảo, tọa đàm về thị trường BĐS gần đây, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đều đồng thuận kiến nghị tới các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan xin điều chỉnh giá bán, giá cho thuê, thậm chí xin ngừng bán các căn hộ nhà ở xã hội do tác động từ lãi vay ngân hàng và giá vật liệu xây dựng tăng. Thực tế, đến cuối năm 2021, nguồn cung vật liệu xây dựng đã tăng giá 25% trên tổng suất đầu tư các dự án.
Trước thực tế này, từ đầu tháng 1, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Xây dựng chủ động thực hiện các biện pháp để bình ổn thị trường vật liệu xây dựng theo thẩm quyền; kiểm tra, hướng dẫn Sở Xây dựng các địa phương công bố giá vật tư, vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quy định.
Trong công văn số 9585 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc triển khai thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới đây của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, các địa phương, cơ quan liên quan phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc bình ổn thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án.
Nguồn NDH