Nhà máy thép tại châu Âu đóng cửa hàng loạt vì thiếu khí đốt – ngành thép đối mặt khủng hoảng

Với việc chi phí năng lượng tăng cao, các nhà máy thép ở châu Âu đang phải cắt giảm sản lượng, thậm chí đóng cửa. Điều này khiến ngành thép của khối này có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.

Châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Việc Nga cắt giảm khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đang mang đến nhiều thiệt hại cho khối này. Cho đến nay khoảng 3 triệu tấn thép không gỉ của EU đang đứng trước rủi ro. Với chi phí năng lượng tăng cao, nhiều nhà máy đang không đủ khả năng để “bật đèn.”

Vào đầu tháng 8, nhà máy Aperam của Bỉ đã đóng cửa cơ sở ở Genk. Ngay sau đó, họ giảm sản lượng tại nhà máy Chatelet của mình. Gần đây hơn, công ty Acrinox của Tây Ban Nha tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng và đưa khoảng 85% nhân viên vào làm việc thời vụ. Rõ ràng, mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào các nhà sản xuất lớn khác của châu Âu, nhiều nhà sản xuất trong số họ có nhiều động lực để cắt giảm sản lượng và vận hành.

Nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, ArcelorMittal, là công ty mới nhất thông báo đóng cửa nhà máy ở châu Âu do giá khí đốt và năng lượng tăng cao.

ArcelorMittal sẽ đóng cửa một trong hai lò cao của mình tại địa điểm luyện thép ở Bremen, Đức, từ cuối tháng 9 cho đến khi có thông báo mới. Nguyên nhân là do giá năng lượng tăng “cắt cổ”, công ty cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu vừa qua. Giá năng lượng tăng cao đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh trong sản xuất thép của họ.

Gã khổng lồ thép cũng cho rằng nhu cầu thị trường yếu, triển vọng kinh tế tiêu cực và chi phí CO2 cao liên tục trong sản xuất thép là những lý do cho quyết định của mình.

Giám đốc điều hành của ArcelorMittal Germany, ông Reiner Blaschek cho biết. “Chi phí gas và điện cao đang gây áp lực lớn lên khả năng cạnh tranh. Đặc biệt hơn kể từ tháng 10 trở đi, chính phủ Đức sẽ phải chịu thuế khí đốt theo kế hoạch, điều này sẽ gây thêm gánh nặng cho chúng tôi.”

Blaschek cũng kêu gọi các chính trị gia hãy khẩn trương hành động để kiểm soát giá năng lượng ngay lập tức.

Không chỉ thép, các nhà máy luyện nhôm ở châu Âu cũng đã đóng cửa trong những tuần gần đây do giá năng lượng cao ngất ngưởng.

Tại Đức, một cuộc khảo sát của Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, DIHK, cho biết cứ 6 công ty công nghiệp thì có 1 công ty cảm thấy buộc phải giảm sản lượng do giá năng lượng tăng cao. Gần một phần tư số công ty buộc phải cắt giảm sản lượng và một phần tư khác đang trong quá trình thu hẹp sản xuất trở lại do giá năng lượng cao ngất ngưởng, theo khảo sát của 3.500 công ty thuộc mọi lĩnh vực ở Đức.

Khảo sát của DIHK cho thấy, các ngành và công ty sử dụng nhiều năng lượng bị ảnh hưởng đặc biệt, vì 32% công ty có kế hoạch hoặc đã bắt đầu giảm sản lượng và thậm chí ngừng toàn bộ dây chuyền sản xuất. Giá thép không gỉ tiếp tục gặp khó khăn khi thị trường tiến gần đến quý cuối cùng của năm. Trong khi đó, giá niken lơ lửng trên mức trung bình năm 2021, chốt tháng 8 ở mức 21.320 USD / tấn. Cả hai chỉ số dường như cho thấy một thị trường đang quá thận trọng.

MetalMiner đã khuyến nghị những người mua thép không gỉ cán phẳng mong đợi giá giao dịch thấp hơn khi bước sang mùa thu. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa cung và cầu là một cuộc chiến không bao giờ kết thúc. Với việc các nhà máy thép châu Âu có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, mối quan hệ giữa cung và cầu sẽ càng trở nên trầm trọng, điều này sẽ tác động mạnh đến giá thép trên toàn cầu.

Theo Oillprice

 

Nguồn CafeF

 

Chia sẻ bài viết