SMC báo lãi trước thuế 1.100 tỷ đồng năm 2021, EPS đạt gần 14.400 đồng

  • Tính chung cả năm SMC lãi sau thuế 903 tỷ đồng, gấp 3 lần chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

CTCP Đầu tư thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và kết quả kinh doanh cả năm 2021.

Tính riêng quý 4 doanh thu thuần đạt 6.149 tỷ đồng, tăng 37,3% so với quý 4/2020. Tuy nhiên chi phí vốn tăng mạnh hơn, đến 45,5% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn hơn 128 tỷ đồng, chỉ bằng 38% cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 7,6% quý 4/2020 xuống còn 2,1% quý 4 vừa qua.

SMC cho biết quý 4 vừa qua, giá thép giảm so với quý trước đó nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ 2020. Tuy nhiên một số nguyên liệu thép dẹt đang phải dự phòng tồn kho nên làm giảm hiệu quả hoạt động.

Trong quý 4 doanh thu tài chính đạt hơn 34 tỷ đồng, tăng 12,6 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu nhờ tăng thu lãi tiền gửi và chênh lệch tỷ giá. Còn chi phí tài chính tăng đến 60 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 67 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay gần 54 tỷ đồng) chủ yếu tăng chi lãi tiền gửi và chênh lệch hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính.


Chi phí bán hàng giảm 9 tỷ đồng so với cùng kỳ, còn hơn 50 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm được 94 tỷ đồng, xuống còn gần 18 tỷ đồng chủ yếu do chênh lệch khoản hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi và chi phí nhân viên quản lý. Các công ty liên doanh liên kết mang về khoản lãi hơn 13 tỷ đồng, tăng 9,4 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Những yếu tố trên dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý 4 còn 34 tỷ đồng, chỉ bằng 21,3% so với số lãi 160 tỷ đồng đạt được quý 4 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt hơn 47 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2021 doanh thu SMC đạt 21.312 tỷ đồng, tăng 35,4% so với doanh thu đạt được năm 2020, trong khi đó tỷ lệ tăng chi phí vốn chỉ 33% dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.488 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 7%.

Trong quý doanh thu tài chính đạt 108 tỷ đồng, tăng 40 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí tài chính cũng tăng 70 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 186 tỷ đồng. Các công ty liên doanh liên kết mang về khoản lãi hơn 36 tỷ đồng, tăng gần 29 tỷ đồng so với năm trước đó.

Bên cạnh đó chi phí bán hàng 24 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 221 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm được hơn 87 tỷ đồng so với cùng kỳ, còn gần 124 tỷ đồng.

Những yếu tố trên tác động khiến cho lợi nhuận trước thuế tăng vọt lên hơn 1.102 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 903 tỷ đồng. Tăng 117% so với số lãi hơn 316 tỷ đồng đạt được năm 2020, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 875 tỷ đồng. EPS ở mức rất cao, 14.369 đồng.

Giải trình về việc lãi lớn năm 2021 SMC cho rằng sản lượng tiêu thụ hàng hóa năm 2021 tăng 6% so với năm 2020, trong khi doanh thu tăng 135% và lợi nhuận tăng 117%. Nguyên nhân do giá bình quân tăng mạnh, duy trì mức cao trong thời gian dài, và giá vốn ở mức bình quân thấp nên biên lợi nhuận tốt.

Trong năm chi phí bán hàng tăng chủ yếu do chi phí vận tải và chi phí nhân viên tăng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm chủ yếu do hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu từ khách hàng. Ngoài ra hoạt động tài chính cũng hiệu quả do tận dụng nguồn lãi vay, giảm sử dụng vốn, tăng quay vòng vốn.


SMC cũng cho biết giá thép đang có chiều hướng giảm ở giai đoạn cuối năm nên công ty cũng chủ động giảm tồn kho. Tính đến 31/12/2021 tổng giá trị hàng tồn kho của SMC đạt 2.560 tỷ đồng, giảm gần 760 tỷ đồng so với đầu năm (trong đó đã có gần 113 tỷ đồng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho).

 

Nguồn CafeF

Chia sẻ bài viết