Triển vọng thị trường thép Việt Nam năm nay được đánh giá sẽ tốt hơn, một phần nhờ vào việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Trong khuôn khổ buổi họp báo thường kỳ Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí.
Cùng với đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhấn mạnh, triển vọng thị trường thép Việt Nam năm 2022 sẽ tốt hơn khi Chính phủ ban hành chỉ đạo ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19 xuyên suốt.
Đáng chú ý, 3 trọng tâm để duy trì đà tăng trưởng, khai thác các động lực tăng trưởng mới được Chính phủ xác định trong năm 2022 bao gồm: khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng.
Theo VSA, triển vọng thị trường thép quý 1/2022 có thể bắt đầu với một mặt bằng giá mới khi giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục điều chỉnh tăng, nhu cầu trong nước có tín hiệu tốt. Tại Chỉ thị 01 vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
Tập trung đôn đốc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công xây dựng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Trước đó, báo cáo của VNDIRECT cho biết, trong giai đoạn mở rộng, nhu cầu thép cao kéo giá bán và sản lượng tiêu thụ thép tăng mạnh. Kết quả là biên lợi nhuận gộp của các nhà máy thép cũng tăng lên, thu hút nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hoặc mở rộng nhà máy.
Nguồn: VNDIRECT, BÁO CÁO CÔNG TY
Theo VNDIRECT, ngành thép Việt Nam đang có những điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn chu kỳ trước đó nhờ vào:
Thứ nhất, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn tại Việt Nam.
Theo Bộ GTVT, Chính phủ đang đặt mục tiêu cả nước sẽ sở hữu 3.000 km cao tốc đến cuối năm 2025 (từ mức 1.163 km cao tốc hiện nay). Trong kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-25, số vốn ước tính cũng tăng thêm 43,5% so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Giải ngân đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% svck (đơn vị: tỷ đồng). Nguồn: Nghị quyết số 29/2021/QH15, Bộ KHĐT, TCTK
Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trung hạn 2021-25 tăng 43,5% so với giai đoạn 2016-20 (đơn vị: tỷ đồng)
Thứ hai, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam còn thấp.
Tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng kể từ năm 1990 và đạt 37% vào năm 2020, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Nguồn: VNDIRECT, WORLD BANK
Theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số thành thị của Việt Nam sẽ vượt qua dân số nông thôn vào năm 2050. Sự dịch chuyển dân cư ra thành thị sẽ kéo theo nhu cầu xây dựng nhà ở gia tăng, kích thích nhu cầu sử dụng thép trong xây dựng dân dụng.
Thứ 3, tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đang thấp hơn mức trung bình của châu Á.
Theo số liệu của Hiệp hội thép Thế giới (WSA), tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam là 283 kg, cao hơn mức trung bình thế giới là 245kg, nhưng thấp hơn mức trung bình châu Á là 316kg.
Nguồn: VNDIRECT, WSA
Mặt khác, tăng trưởng kép tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam cũng đặt tốc độ ấn tượng 7,3% trong giai đoạn 2009-19, gấp lần lượt 4 lần/2 lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới và châu Á
Cuối cùng, Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới.
Trung Quốc – quốc gia sản xuất 45% sản lượng thép thô toàn cầu năm 2021, đang thực hiện hàng loạt chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thép nước này như: loại bỏ hoàn thuế VAT 13% đối với 146 sản phẩm thép từ tháng 5/2021; giảm thuế nhập khẩu thép thô, gang và thép phế xuống 0% từ tháng 5/2021; lệnh cấm nhập khẩu than từ Australia khiến các nhà máy thép Trung Quốc khó tiếp cận được nguồn nguyên liệu giá rẻ và Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu giảm 65% lượng khí thải CO2 trên mỗi đơn vị GDP so với mức của năm 2005, trọng tâm sẽ buộc giảm sản lượng các ngành sản xuất công nghiệp nặng, trong đó có thép.
Bên cạnh đó, xu hướng các nước phát triển (Mỹ, EU, Nhật Bản) ngày càng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản lượng thép sản xuất. Xu hướng này được thúc đẩy bởi: các nước đang phát triển có nhu cầu xây dựng lớn, khuyến khích các nhà sản xuất trong nước tham gia.
Hơn nữa, sau một thời gian phát triển công nghiệp nặng, các nước phát triển sẽ tập trung vào sản xuất xanh, nhằm bảo vệ môi trường khiến chi phí sản xuất của họ tăng lên. Bên cạnh đó giá nhân công cũng cao hơn so với các nước đang phát triển.
Hệ quả là sức cạnh tranh của ngành thép ở các nước phát triển ngày càng giảm. Điều tương tự đang xảy ra tại Trung Quốc, khi thu nhập bình quân của công nhân nước này đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2000, theo World Bank. Do đó, điều này sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành thép của các nước đang phát triển với giá nhân công thấp, trong đó có Việt Nam.
Các nhà sản xuất thép Việt Nam đã tăng mạnh xuất khẩu trong năm 2021, phần lớn nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Trung Quốc (đối với thép dài), EU và các nước Bắc Mỹ (đối với thép dẹt).
Trong tương lai, nguồn cung xuất khẩu có khả năng thiếu hụt do những diễn biến liên quan đến Trung Quốc và lợi thế chi phí nhân công giá rẻ sẽ tạo cơ hội rất tốt cho các nhà sản xuất thép Việt Nam nâng cao vị thế của mình trên thị trường toàn cầu.
Nguồn CafeF